Tin tức & sự kiện
Tiêu chuẩn hóa hệ thống dán nhãn nhằm truy xuất nguồn gốc toàn diện
Hệ thống truy xuất mới này được áp dụng nhằm liên kết tất cả các đối tượng trong ngành thủy sản từ  ngư dân, nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà bán lẻ đến người tiêu dùng.
Từ tháng 1/2010, Na Uy đã yêu cầu các nhà sản xuất thủy sản phải cung cấp thông tin về thời gian và nguồn gốc thủy sản khai thác trên bao bì, phù hợp với quy định về chứng nhận khai thác được Liên minh Châu Âu thông qua năm 2008. Nhãn truy xuất nguồn gốc sẽ thông tin cho khách hàng về chất lượng của thủy sản khai thác.
Tuy nhiên, rất khó tiến hành theo dõi truy xuất nguồn gốc trên diện rộng vì không phải tất cả các nhà sản xuất đều sử dụng cùng một phương thức dán nhãn.
Các bên tham gia đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề tồn tại cũng như các giải pháp truy xuất nguồn gốc và nhất trí cần phải đổi mới.
Đối với việc xây dựng hệ thống truy xuất bằng mã vạch, điều quan trọng là các nhà chế biến phải cung cấp thông tin chuẩn xác về sản phẩm thủy sản.
Truy xuất bằng mã vạch hiện đã được đưa vào hệ thống tiêu chuẩn của Na Uy và FHL sẽ đề xuất đưa quy định này vào hệ thống tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu để áp dụng trên quy mô toàn khu vực. Vì phần lớn thủy sản tiêu thụ tại Na Uy có nguồn gốc NK nên biện pháp này càng thiết thực hơn.
Tuy đây là chương trình tham gia tự nguyện, nhưng các nhà bán lẻ thủy sản tuyên bố họ sẽ không tiêu thụ các sản phẩm thủy sản không sử dụng biện pháp dán nhãn này.
Mã vạch có thể được truy xuất trên toàn cầu, cho phép tra cứu thông tin chi tiết về nhà cung cấp ngay khi cần, thông qua các thông tin có thể tìm thấy trên mã vạch như thời gian và nơi đánh bắt thủy sản, nơi cập cảng, thủy sản nuôi hay khai thác, các biện pháp đã được thực hiện, kích cỡ thủy sản…
Dự kiến hệ thống này sẽ được triển khai tại Na Uy trong năm 2012. Nếu được áp dụng, đây sẽ là lần đầu tiên tất cả các khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm thủy sản cùng phối hợp để đảm bảo truy xuất nguồn gốc toàn diện.
(TheFishSite New Desk)